Bảo tồn các giá trị văn hóa cổ và phát huy được các giá trị đó phục vụ cho cuộc sống hiện đại đang là quan tâm lớn của Singapore. Và chùa Việt Hải Thanh, ngôi chùa Triều Châu cổ nhất ở Singapore là một ví dụ.
Mỗi năm, Chính phủ Singapore chi hàng chục triệu USD để trùng tu, nâng cấp các di tích cổ nhằm đưa lại hình ảnh một quốc gia Singapore phát triển, hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa. Và các di tích, ngược lại đã và đang đóng góp vào phát triển du lịch cho quốc đảo này. Bài viết sau là những ghi nhận được thực hiện tại chùa Việt Hải Thanh, ngôi chùa Triều Châu cổ nhất ở Singapore.
Đằng sau những tòa cao ốc của Trung tâm tài chính Singapore là một không gian tâm linh đã 200 năm tuổi. Chùa Việt Hải Thanh mang phong cách kiến trúc Triều Châu do chính các thương gia Triều Châu Trung Quốc – những cư dân đầu tiên của Singapore xưa kia xây dựng ở phía Bắc đảo từ những năm 1820.
Chùa Việt Hải Thanh là một trong 100 di tích gắn liền với lịch sử phát triển của quốc gia Singapore. Chính vì lẽ đó mà những năm gần đây, Chính phủ Singapore đã đầu tư rất nhiều để bảo tồn giá trị văn hoá của di tích này.
Một góc chùa Việt Hải Thanh ở Singapore.
Từ năm 2011, Chính phủ Singapore đã đầu tư 7,5 triệu USD Singapore (khoảng hơn 127 tỷ VND) cho dự án bảo tồn nhằm trả lại cho ngôi chùa vẻ đẹp ban đầu. Chuyên gia bảo tồn Yeo Kang Shua cho biết trước khi tiến hành trùng tu, nhóm chuyên gia đã dành 2 năm để tìm hiểu, nghiên cứu tỉ mỉ về kiến trúc và niên đại của ngôi chùa.
Ông Yeo Kang Shua chia sẻ: “Chúng tôi cần phải tìm hiểu về niên đại của chùa để làm căn cứ trùng tu. Sau khi đã xác định xong niên đại, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu về các mẫu hiện vật chạm khắc đá, các cấu trúc vật lý và tiến hành so sánh với các ngôi đền chùa khác mà có cùng niên đại cho dù chùa đó ở Singapore hay ở Trung Quốc. Chúng tôi đã xác định hiện vật nào là cổ, nguyên gốc… và điều này giúp chúng tôi quyết định sẽ trùng tu, phục hồi cái gì”.
Với cách tiếp cận cẩn thận và tỉ mỉ như vậy, dự án đã mời 45 thợ trùng tu di tích đến từ Trung Quốc làm việc trong hai năm để bảo tồn 200 bức tranh và tượng bằng sứ, các điêu khắc gỗ tinh xảo và hệ thống khung rường cột của chùa. Phương pháp tiến hành là bảo tồn được càng nhiều càng tốt, hạn chế tác động đến di tích.
Kiến trúc sư Raymond Woo nói: “Với chúng tôi, vấn đề quan trọng là bảo tồn một cách tốt nhất để ngôi chùa trông giống như trước kia. Ngay cả bức tường bao cũng phục hồi giống gần như trước, vào thời những năm 1800. Chúng tôi cố gắng phục hồi ngôi chùa trở lại thời hoàng kim của nó”.
Vào tháng 3/2014, Chùa Việt Hải Thanh đã chính thức mở cửa trở lại đón khách du lịch và người dân địa phương sau hơn 2 năm trùng tu. Tuy nhiên sau trùng tu, các chuyên gia lưu ý việc bảo trì hết sức quan trọng.
Theo ông Yeo Kang Shua, có 2 điều mà các toà nhà cổ cần hết sức lưu ý trước hết là tránh nước, nước mưa. Bởi đây là việc trùng tu lại toàn bộ nên các chuyên gia đã áp dụng tất cả các biện pháp phòng ngừa nước mưa. Thứ hai là phòng ngừa mối mọt với toàn bộ cấu trúc gỗ. Và họ phải tiến hành kiểm tra định kỳ mối mọt.
Nhờ sự trùng tu tỉ mỉ, khoa học mà chùa Việt Hải Thanh vẫn mang hình dạng, kiến trúc ban đầu. Ngôi chùa không chỉ vẫn phát huy được giá trị tâm linh mà còn thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, đóng góp vào phát triển du lịch của Singapore.